CHÍN YẾU TỐ CỦA MỘT CÂY CẢNH ĐẸP
Theo Nhà báo Quyết Tuấn, một tác phẩm cây cảnh đẹp cũng giống như bất kỳ một tác phẩm của các loại hình nghệ thuật khác. Việc đánh giá chúng rất khó có một khuôn mẫu, thang bậc đo đếm định lượng rõ ràng một cách tuyệt đối tượng. Tuy nhiên, về mặt tổng thể, những người chơi cây cảnh lâu năm đều thống nhất đánh giá một tác phẩm cây cảnh đẹp, vừa hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, lại thống nhất trong đa dạng sự khác biệt của các trường phái cây cảnh nghệ thuật trong và ngoài nước được thể hiện trên một số tiêu chí cơ bản sau:
PHÔ THÂN: Là đường chạy của thân chính mạch lạc rõ ràng thể hiện được ngôn ngữ tạo hình và ý đồ của người tạo tác. Đây là yếu tố “thân pháp” được định hình rõ ở dáng thế cây là “Trực – Xiêu – Hoành – Huyền”, tùy thuộc vào góc độ của cây so với mặt đất. Đây cũng chính là yếu tố dễ quan sát và mang lại cảm xúc nhất đối với người thưởng lãm. Người cơi cây cảnh xưa và nay đều trọng đánh giá cây cảnh ở điểm này và coi đó là “thân thế”, “hồn cốt” của một tác phẩm.
KHOE LÁ: Điểm tô và tạo sức sống cho một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật hoàn thiện không thể không bỏ qua đến yếu tố lá trong một cây cảnh. Thiết diện và sự phân bố của yếu tố lá góp phần quan trọng trong việc tôn hoặc hạ thấp giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Bộ lá của cây cảnh nghệ thuật phải đanh nhỏ, đồng đều và có màu sắc hài hòa với tổng thể tác phẩm mới “khoe” hết được vẻ đẹp thực sự của một tác phẩm.
LỘ CĂN: Một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật được thu nhỏ ngoài thiên nhiên vào không gian sống do người tạo tác giới hạn theo ý chí chủ quan của mình bằng các thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được những đường nét như ngoài thiên nhiên. Đó là gốc bồ ngọn chỉ, tay cành tỷ lệ hài hòa, mâm rễ nở đều và “lộ căn” phù hợp với dáng thế cây là một yếu tố làm nên sự chỉnh thể của một tác phẩm có sức sống. Đây là yếu tố “gốc rễ” được ví như cội nguồn, tổ tông rất căn bản để gợi cảm về yếu tố không gian, thời gian hội tụ trong một tác phẩm.
CỔ: Cổ lão tự nhiên do thời gian, tuổi tác làm cho gốc rễ, thân cành của cây cũng chùn ngắn lại, lá cũng thu nhỏ và dày hơn, toàn thân đanh lại, dáng vẻ phong sương cùng năm tháng. Cũng có thể do con người dùng kỹ thuật lão hóa tác động làm cây trở nên cổ.
LINH: Là cái thần thái biểu lộ cảm xúc, sự lôi cuốn, hấp dẫn; là sức mạnh, sức sống giữ vai trò chủ đạo ẩn chứa bên trong tác phẩm được biểu lộ ra bên ngoài thông qua các bộ phận, đường nét, màu da, sắc thái của cây mà qua đó con người có thế đọc được, hiểu được tình cảm, cảm nhận được ngôn ngữ biểu đạt của vật dù chúng có trìu tượng đến đâu.
TINH: Tinh xảo, tinh tường, tinh hoa…thể hiện sự khéo léo, chắt lọc đến tột cùng cả về mặt chất lẫn lượng, cả về nội dung lẫn hình thức, cả về ngôn ngữ tạo hình đến bố cục tác phẩm; là thông điệp văn hóa mà con người gửi gắm trong tác phẩm một cách kín đáo khéo léo…thể hiện sự thăng hoa trong cảm xúc kết hợp sự khéo léo tài tình trong thao tác kỹ thuật.
TÚ: Là sự quái kiệt thể hiện sự công phu, tài nghệ “xuất sắc” khác thường, vượt ra khỏi sự chân phương, khuân khổ vốn có của nó. Tú của cây cảnh nghệ thuật có thể là do con người dùng kỹ thuật tạo ra hoặc là do tác động của các yếu tố thiên nhiên và môi trường mà tự thân tạo ra.
KỸ DĂM: Do thời gian, cây đạt đến sự cổ lão đồng bộ từ những chiếc rễ nổi trên mặt đất đến thân, cành, nhánh và từng chiếc dăm đều có sự già nua đồng màu (màu thời gian). Cây trải qua bấm sửa nhiều lần nên các đốt của cành, nhánh, dăm đã thực sự chùn rụt ngắn lại. Kỹ dăm còn thể hiện sự công phu tỉ mỉ của người nghệ nhân qua năm tháng. Nên chỉ cần nhìn vào độ kỹ của dăm cũng đã đủ để đánh giá sự trân trọng của chủ nhân đối với tác phẩm.
MỊN TÀN: Tàn là độ xèo của cành, tán lá của cây được tạo hình thành những mảng khối tạo sự cân đối cho tác phẩm. Độ mịn của tàn chính là “y phục” điểm tô mang yếu tố chấm phá tạo những nét duyên dáng cho một tác phẩm.
Biên Tập Cuong Bonsai – Vương Xuân Nguyên